Nông dân điêu đứng vì tin đồn túi đựng hoa quả hại sức khỏe
Nông dân điêu đứng vì tin đồn túi đựng hoa quả hại sức khỏe
Trong khi chưa có kết luận chính thức về bệnh ung thư liên quan đến việc ăn trái cây sử dụng túi bao (đựng) thì nhiều phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tiếng chuông này như một giai điệu buồn cho người trồng vì các loại trái cây đều tụt giá.
Hiệu quả, tiện lợi và lãi cao
Trong khi các nhà khoa học đang nghiên cứu nhằm tìm ra thuốc đặc trị sâu đục trái bưởi thì nhiều nhà vườn trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đã áp dụng hiệu quả túi bao trái cho loại cây này.
Nhiều nhà vườn cho biết, họ đã thực hiện bao trái nhiều năm qua. Khi trái non bằng cỡ trái chanh là lúc chuẩn bị bao trái. Trước khi bao, phải phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học để diệt trứng, sâu non và bướm, sau đó tiến hành bao trong vòng 1 - 3 ngày, kết quả thường đạt từ 90% trở lên. Tiền mua bao cho 5 công bưởi khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi sử dụng thuốc trừ sâu mỗi tháng phải phun xịt 4 lần, chi phí lên tới gần 5 triệu đồng. Bưởi được bao trái có màu vàng tươi rất đẹp, vỏ mịn, không bị nám nắng, thương lái mua giá cao hơn. Tại Tiền Giang, việc nhà vườn sử dụng túi bao trái được sử dụng khá lâu. Ông Trần Văn Tam (huyện Châu Thành) cho biết, bao trái sẽ cho trái ngon hơn, lớn hơn, hạn chế được sâu bệnh.
Không riêng gì cây bưởi mà các vườn xoài tại Tiền Giang, kể cả xoài cát Hòa Lộc, cũng được nhà vườn áp dụng biện pháp này. Theo nhiều nhà vườn, loại túi bao này xuất xứ từ Đài Loan, giá khoảng 1.500 - 2.000 đồng/bao. Thời điểm bao trái hiệu quả là khi xoài ra trái được khoảng 1 tháng rưỡi. Trước khi bao, cần phun thuốc phòng trị các bệnh như thán thư, côn trùng..., sau đó chăm sóc bình thường. Nhờ màu sắc bắt mắt nên giá thường cao gấp 2 lần so với giá thị trường. Hiện xoài tứ quý vỏ vàng tiêu thụ rất nhiều nơi, cung cấp cả cho các siêu thị lớn.
Thấy áp dụng trên bưởi, xoài được, các nhà vườn áp dụng cả trên ổi và một số cây có múi khác.
Theo Tiến sĩ (TS) Võ Hữu Thoại - Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, điều đáng quan tâm nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu của trái cây hiện nay là việc trái cây bị trầy xước, màu sắc nhìn không bắt mắt do quá trình phát triển bị sâu, bọ tấn công. Để khắc phục, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái như nuôi kiến vàng, sử dụng bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, khoáng, thiên nhiên..., thì sử dụng túi chuyên dụng để bao trái là xu hướng các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Tin đồn hại nhà vườn
Hiện trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: Túi xốp sử dụng cho trái ổi, túi bao chuyên dụng cho xoài, túi lưới bao nhãn, túi nilon... Các sản phẩm túi này được nhập khẩu và sản xuất trong nước, nếu biết cách có thể sử dụng được 2 - 3 năm. Tùy vào khả năng tài chính và đặc tính sinh trưởng của loại cây trồng mà nông dân có thể chọn loại túi thích hợp.
Tuy nhiên, gần đây có rộ tin đồn nhà vườn sử dụng túi bao trái Đài Loan (trên bao bì có đề chữ Taiwan) gây hại cho sức khỏe. Mặc dù chưa ai kiểm chứng nhưng một số phương tiện thông tin đưa tin này đã khiến trái cây rớt giá vì người tiêu dùng lo sợ.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết, vào tháng 5.2015, một số phương tiện truyền thông đưa tin và cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu. Kết quả kiểm nghiệm từ túi bao trái đến kiểm dịch thực vật trái xoài được bao bằng túi có in chữ “Taiwan”... cho thấy, không phát hiện bất thường như các thông tin thất thiệt nêu. Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang khẳng định, doanh nghiệp nhập khẩu túi bao trái xoài có chữ “Taiwan” trên địa bàn đều có đầy đủ hồ sơ, sản phẩm được phép nhập vào Việt Nam, sử dụng bình thường.
Đồng Tháp xuất khẩu hàng ngàn tấn xoài sang Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga... Tất cả lô hàng này đều được kiểm dịch thực vật rất gắt gao và chưa có lô hàng nào không đạt. Hiện tỉnh này có trên 9.000 ha diện tích xoài nông dân sử dụng túi bao trái, có cả túi do Đài Loan sản xuất. Ngay cả Công ty In Jea (Hàn Quốc) và Công ty Dialog (Nga) đến Đồng Tháp xây dựng nhà máy chế biến, ký hợp đồng bao tiêu xoài của nông dân cũng đưa ra điều kiện bắt buộc là xoài phải được bao trái.
TS Võ Hữu Thoại cho biết, bao trái trước thu hoạch được xem là một trong các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, áp dụng phổ biến trong sản xuất cây ăn trái tại nhiều nước trên thế giới.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, việc bao trái giúp hạn chế tổn thương cho vỏ trái, giảm tỉ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người dùng.
Kỹ thuật bao trái trước thu hoạch đã được Nhật Bản áp dụng cách đây nhiều năm; Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đã áp dụng trước Việt Nam hàng chục năm nay.
Như vậy, có thể khẳng định, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật túi bao trái không liên quan gì đến sức khỏe người dân. Việc nhà vườn cần nhất hiện nay là kỹ thuật bao trái sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Đừng thông tin một chiều tội nghiệp nông dân
|
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền |
Hiệu quả của việc nông dân sử dụng túi bao trái cho các loại trái cây khá rõ ràng và được áp dụng ở một số nước có nền nông nghiệp phát triển và an toàn cho người tiêu dùng. Giải pháp này đã nâng cao giá trị thương phẩm của các loại trái cây, bắt mắt người tiêu dùng và dễ dàng tiêu thụ.
Khi nông dân áp dụng giải pháp này đáng lẽ phải cần sự khích lệ của xã hội trong đó các cơ quan truyền thông có vai trò khá lớn để động viên nông dân tiếp tục học hỏi áp dụng các tiến bộ mới. Thế nhưng đáng buồn là những thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng được đưa ra đã làm điêu đứng người nông dân. Để có một vụ mùa bội thu, bà con nông dân tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Mọi hy vọng đổ dồn vào ngày thu hoạch bỗng chốc trở thành nỗi hoang mang, thất vọng.
Cách đây vài năm rộ lên thông tin cây có múi, trong đó có bưởi gây ung thư cho con người đã làm lao đao cho biết bao nhiêu nhà vườn, có những nhà vườn lâm vào cảnh khốn khó. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác định đó là thông tin thất thiệt, thì việc đã rồi và không ai đề cập tới việc ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nông dân.
Trở lại câu chuyện thông tin túi bao trái cây có hại cho sức khỏe con người và những thông tin khác gây thiệt hại cho nông dân và gây hoang mang cho người tiêu dùng, thiết nghĩ đã đến lúc cần lưu ý tới trách nhiệm của một số cơ quan truyền thông trước những thông tin một chiều thiếu kiểm chứng và chính quyền các cấp cũng cần có trách nhiệm rõ ràng với bà con nông dân trước những thông tin thất thiệt này.
Nông dân rất cần được bảo vệ một cách chính đáng như vốn dĩ họ được như vậy.